Sao chẳng ai chịu hiểu con




sao_chang_ai_chiu_hieu_con_bia.jpg

Giới thiệu sách: Chúng ta - những bậc làm cha làm mẹ cũng như tất cả những ai quan tâm tới trẻ vị thành niên - thường nhắc tới lứa tuổi này và tỏ rõ sự quan tâm của mình với những cụm từ như: giáo dục cho trẻ vị thành niên, chăm sóc sức khỏe cho trẻ vị thành niên, những điều trẻ vị thành niên nên biết v.v… Thế nhưng, thực tế là không phải ai trong chúng ta cũng xác định được trẻ vị thành niên thuộc độ tuổi nào, chăm sóc trẻ vị thành niên ra sao mới khoa học và phải làm gì để tạo điều kiện cho trẻ phát triển tốt cả về thể chất và tâm lý.

Sao chẳng ai chịu hiểu con là một cuốn sách hết sức thiết thực, dựa trên những ví dụ phong phú và sinh động có thực trong cuộc sống để giải đáp cho bạn về những điều còn mơ hồ hay hiểu chưa đúng, cũng như những phương pháp hiệu quả để chăm sóc và định hướng phát triển đúng đắn cho trẻ vị thành niên – những cô bé, cậu bé tuổi từ 10 đến 19 đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ sự phụ thuộc vào bố mẹ để trở thành một người trưởng thành thực thụ.

Trích đoạn sách hay:

“Ngày nào cô bé Smitha 11 tuổi cũng trở về nhà và kể chuyện về bọn con trai cùng lớp với một vẻ căm ghét rõ rệt. Bố mẹ em rất vui và khen ngợi em thật ngoan và nề nếp.

Suchi 14 tuổi đã ghép tên mình với tên một cậu bạn trong sổ tay từ ba tháng nay. Mẹ cô bé biết được điều này, bà rất tức giận và la mắng con gái vì tội yêu đương nhăng nhít mà không tập trung vào học.

Sameet 15 tuổi nhận được nhiều cú điện thoại của bạn gái hơn bạn trai. Bố mẹ cậu phạt cậu vì hay giao du với con gái hơn là con trai. Cả những cô bé đã gọi điện tới cho cậu cũng thường bị mắng. Điều này khiến Sameet rất giận bố mẹ mình.

Smriti 17 tuổi dành rất nhiều thời gian để gửi tin nhắn qua điện thoại di động tới các bạn lớp trên trong trường. Khi bố mẹ cô bé nổi nóng và thu lại điện thoại của em, em lại mượn điện thoại của bạn để nhắn tin suốt đêm.

Shika và Shikar 19 tuổi, là hàng xóm của nhau từ ngày còn bé và đang học cùng trường đại học. Vào ngày Lễ Tình nhân, các em về nhà muộn hơn một tiếng đồng hồ vì ghé vào một quán cà phê. Bố mẹ Shika tát em khi em vừa mới về đến cổng mà không biết rằng những người hàng xóm đang nhìn họ. Shikar cũng không được phép vào nhà vì cậu đã về muộn hơn một tiếng so với quy định. Suốt một tuần liền, Shika và Shikar không được về nhà.

Giai đoạn đầu của tuổi vị thành niên thực sự là giai đoạn của tình bạn cùng phái. Sự hấp dẫn khác phái bắt đầu hình thành ở giai đoạn giữa của tuổi vị thành niên, tức là từ 14 đến 17 tuổi. Ở thời kỳ đầu của giai đoạn này, sự hấp dẫn khác phái được biểu hiện thành mong muốn được dành thời gian ở bên nhau giữa nhóm bạn hoặc giữ liên lạc thường xuyên bằng những phương tiện có thể. Sự hấp dẫn giới tính mới mẻ này khiến trẻ tách khỏi sự lệ thuộc vào bố mẹ, hướng tới sự độc lập và trách nhiệm trong mối quan hệ thương mến và sẻ chia với một người khác giới. Đây chính là động lực để các em dần dần hình thành những mối quan hệ chín chắn với bạn khác giới.

Bố mẹ cần chấp nhận hiện tượng này như một thời kỳ phát triển bình thường về mặt tâm lý-xã hội và là cột mốc đánh dấu sự phát triển bình thường ở bất cứ thanh thiếu niên nào. Các bậc phụ huynh không nên vội vã đi tới những kết luận thiếu thiện ý và trừng phạt các em vì cho đó là những sự nổi loạn thiếu suy nghĩ, những hành vi lén lút và đi chệch ra khỏi truyền thống gia đình.

Sự kìm nén quá mức những cảm xúc đối với người khác có thể dẫn tới cả sự ức chế lẫn sự tự do thái quá - một biểu hiện của khát vọng nổi loạn. Cả hai trạng thái trên đều gây ra những rắc rối trong các mối quan hệ tương lai. Bố mẹ phải tạo sự thoải mái cần thiết cho trẻ vị thành niên bằng cách đừng tỏ ra phán xét và đe dọa để trẻ cảm thấy có thể thoải mái bày tỏ với bố mẹ về nỗi buồn, niềm vui trong những mối quan hệ mà chúng đang nuôi dưỡng. Điều này có thể giúp các em vừa bình tâm tập trung phấn đấu cho sự nghiệp tương lai vừa vui sống một cách lành mạnh.”

Về tác giả: Tiến sĩ S. Yamuna là một bác sĩ chuyên khoa trẻ em và thanh thiếu niên. Bà có thể cố vấn về những vấn đề liên quan đến tuổi vị thành niên như phát triển tâm, sinh lý, các vấn đề xã hội hay tình dục cho trẻ vị thành niên. Bà đã từng làm cố vấn cho rất nhiều tổ chức trong nước và quốc tế về tăng cường nhận thức về sức khoẻ và phát triển của tuổi vị thành niên cho cha mẹ, thày cô giáo, các bác sĩ nhi khoa, chuyên khoa cũng như các nhà hoạch định chính sách trong nước. Ngoài ra, từ năm 2003, bà còn phụ trách chuyên mục “Tìm hiểu trẻ vị thành niên” trên tờ The Hindu Young World Quest.

Thông tin về cuốn sách:

Tên sách

Sao chẳng ai chịu hiểu con

Tác giả

S. Yamuna

Giá

33.000 (vnđ)

Số trang

206

Nhà xuất bản

Lao động – Xã hội

Khổ

13 x 20,5 (cm)

Dạng bìa

Bìa mềm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét